Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời?

Tôi vẫn thường sợ, nếu tôi đặt lưng xuống và ngủ quên, cuộc sống ngoài kia sẽ trôi đi mất, sẽ đổi khác, sẽ tàn lụi… sẽ không còn là chính nó khi tôi thức dậy.

Tôi vẫn thường sợ, trong những giấc mơ đi của tôi, tôi sẽ đi quá xa và quá lâu để rồi tôi không còn thức dậy được nữa, tôi sẽ mải miết đi trên những triền núi đầy hoa và tia nắng lạ cuối ngày xuyên qua những rừng thông rậm rạp… Tôi sẽ không thể quay về thành phố đầy khói xăng của tôi…

Ấy vậy mà đã bao lâu rồi tôi đã ngủ quên và cuộc sống ngoài kia vẫn trôi rất gấp. Mọi thứ đã đổi thay rất nhiều từ lần cuối tôi đặt chân lên những con đường tít tắp.

Cô gái bán rượu ngô đã ko còn cười nụ cười năm cũ, rượu ngô bây giờ liệu có còn vị của ngày xưa?

Quán phở chua không bao giờ có thịt, liệu có thay đổi theo nhu cầu của con người?

Còn nữa những bản làng xa ngái, liệu có còn chân chất hoang sơ…Tôi vẫn nhớ một chiều cuối năm nào đó, tôi và anh dừng chân bên ngôi nhà rẻo cao biên giới, con ngan đuổi theo cuộn len đỏ, con chó đứng canh chiếc máy khâu bỗng sủa váng lên khi thấy người.

Có còn không những con đường lổn nhổn đá lẫn trong mây mù. Người đi thấy tóc dính bết vào sương, hổn hển những tiếng cười mệt nhoài khi ngày sắp tàn mà con đường vẫn còn hun hút

Liệu có còn không thất cả những dư âm ngày cũ… Liệu có phải chỉ cần lên đường thôi rồi tôi sẽ gặp lại tất cả hay cuộc sống đã chảy trôi mất rồi?

Cuộc sống ấy đã trôi đi mất đúng không? ngay cả sự hồn nhiên của chính tôi hay bạn bè tôi, những người đi đã đổi thay nhiều rồi.

Tự dưng tôi muốn thức dậy quá, thức dậy khỏi triền miên những ngày tháng này, công việc này, cuộc sống này. Thức dậy để được ngửi mùi gió mới, thấy nước mắt chảy dài hai bên thái dương khi những cơn gió lạnh bay vào mắt… Thích được thấy đít quần đầy đất và cỏ dập mỗi khi nghỉ chân ngồi bệt xuống đường. Đun một ấm cafe đen, nghe một bài hát cũ

Hỏi gió phiêu du qua bao đỉnh trời…

Trời ơi, tôi muốn thức dậy biết bao….

Du hành tới Sì Lờ Lầu, đón gió lạnh đầu mùa nơi biên ải

Còn vài ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 35 của tôi, để nhớ lại xem nào, lần cuối mình tổ chức tiệc sinh nhật là bao giờ nhỉ? Có lẽ là năm 2001, sinh nhật lần thứ 25 của tôi. Năm đó, sinh nhật tôi lại rơi vào đúng ngày tết Trung Thu, thời gian đó, tôi đang trong kỳ công tác tại Sài Gòn. Một bữa tiệc sinh nhật đáng nhớ tại quán bar nổi tiếng thời bấy giờ, No.1 ở số 1 Lê Thánh Tôn với nhạc và whisky tràn trề.

10 năm sau, có lẽ cũng nên làm một bữa tiệc sinh nhật nhỉ, dù sao cũng là thời điểm đánh dấu 35 năm cuộc đời. Ở đâu bây giờ? Chắc chắn bây giờ tôi sẽ không chọn một quán bar nào hay ho cho sinh nhật mình nữa, mà sẽ giở bản đồ giao thông đường bộ ra. Đây rồi, đã tìm được một địa điểm ưng ý cho ngày sinh nhật của mình, Sì Lờ Lầu.

Mọi thứ đã chuẩn bị sẵn sàng, giấy giới thiệu của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Lai Châu, vé tàu đi Lào Cai vừa mua xong thì được tin bão số 5 chuẩn bị đổ bộ vào miền Bắc. Chẳng sao cả, bão thì bão, đường ta ta cứ đi.

Chuyến tàu SP3 đưa chúng tôi lên thành phố Lào Cai lúc sáng sớm, xuống tàu, chúng tôi vào môt nhà nghỉ để vệ sinh cá nhân trước khi lên đường đi Phong Thổ, Lai Châu, vẫn cái nhà nghỉ chúng tôi vào hôm đi Y Tý tháng 3 vừa rồi. Tắm rửa thoải mái mà hết có 60 nghìn.

Ăn sáng xong xuôi thì chúng tôi bắt đầu lên đường, thời tiết tốt, khô ráo, rất thuận lợi cho cuộc hành trình. Lúc này, tự dưng xe của tricoi lại giở chứng không nổ máy được mặc dù hắn vừa đổ thêm một chai xăng. Hai thằng loay hoay mãi mà không ăn thua gì cả, đành phải đẩy xe tới một hiệu sửa xe gần đó để xem sao.

Loay hoay một hồi vẫn không nổ được máy, hay là đổ thêm xăng vào xem thế nào. tricoi nhờ cậu thợ sửa xe mang can đi mua xăng, và khi đổ hết can xăng vào, khởi động thì xe nổ ngon. Có thế mà mất hơn tiếng đồng hồ, bờm không chịu được. Mãi sau khi về đến nhà, tricoi mới phát hiện ra là cái khóa xăng của hắn bị hỏng, vặn sang nấc dự phòng mà xăng không xuống.

Một chuyến đi không được suôn sẻ lắm với tricoi ngay từ đầu.

Bản Gà – Đồng Cao – Có một cao nguyên đầy trăng, sao, nắng và gió…

Ngồi lặng lẽ trong căn phòng nhỏ trên gác 3, nơi góc làm việc đầy các thứ giấy tờ này, ngoài cửa sổ những cơn mưa đầu đông đã về. Gió lạnh lùa qua từng kẻ hở nhỏ nhất của căn phòng, ùa vào như thể chứng minh cho mọi người mùa đông đã về. Sáng ngủ dậy, mở cửa ra thấy gió ùa về từ bao giờ mang theo những heo may của lạnh, như thể như trở mình vậy, như thể lúc mở tủ lạnh và cái hơi lạnh ấy phả ra. Để sáng nay tỉnh giấc, thấy gió, thấy mưa phùn bay, và thấy mùa đông về. Ngổn ngang những xúc cảm, đâu đó có ai reo hò trên facebook, lạnh thích quá, rằng mùa đông đã về, rằng nhớ mùa thu Hà nội, rằng cốm đã xanh, rằng sấu đã đổ lá, rằng đã run run trong giá lạnh…Thêm một chút mùi hương trầm nữa, sẽ là Tết phải không?

Mưa, thường thì khi gió mùa về Hà nội ít khi mưa lắm, chỉ heo heo lạnh thôi, mưa dồn hết về miền Trung, là vậy mà, hanh khô và réo rắt, vậy mà dăm bữa nay trời lại mưa. Những cơn mưa rả rích, lùn phùn như thể trời không muốn trút hết nước mà muốn thả từng hạt bay bay xuống vậy, mưa lay bay trong buổi sáng lạnh, mưa như thể kéo ai đó về lại hiện tại, mưa như dồn ký ức về miền xa xăm. Có ai đó run rẩy trong gió lạnh, có ai đó che tay vội vã chiếc áo mưa khỏi ướt, có ai đó ngồi café một mình ngắm mưa và tận hưởng cái lạnh đầu đông này. Và đâu đó có bạn nữ đã lục đục đi mua len để đan những chiếc khăn cho người mình yêu thương, những chiếc khăn ấm áp trong mùa đông lạnh…

Lại cái cảm giác nhớ đường, nhớ đèo, nhớ những cơn gió rít lên trong sương nơi miền biên ải, nhớ lắm, như là kẻ nghiện vậy. Một tháng mà không đi đâu được chỉ loanh quanh luẩn quẩn ở cái HN này chắc chân mình thối ra mất, chắc là ngây ngây dại dại. Một buổi trà đá bên bờ Hồ Gươm trong cái tiết trời lành lạnh. Một chút ngẫu hứng, vậy là quyết định đi. Đồng Cao, một cái nơi xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Bắc Giang. Nếu Thạch Sơn là xã nghèo nhất tỉnh thì Đồng Cao là bản nghèo nhất cái xã ấy, thuộc huyện Sơn Động – Bắc Giang. Vậy là đi thôi, đi cho thỏa nỗi cuồng chân, đi cho thỏa nỗi nhớ rừng, nhớ núi, nhớ bản làng, nhớ các em nhỏ trong trẻo…

Có ai đó gọi những điều như thế này là : Người tình…

Có một cao nguyên đầy nắng và gió…

Bình minh nơi ấy…

Thương nhớ Đồng Văn

…. Tháng 10, em vẫn nói với bạn đồng hành, cao nguyên đá nở hoa. Những vách đá tai mèo xám xít trở nên rực rỡ, những sườn núi bạt ngàn hoa cúc vàng, cúc cam, hoa thun tu đỏ sẫm, dong giềng đỏ thắm, và những ruộng tam giác mạch miên man sắc tím, sắc trắng, sắc hồng….

…. Nếu anh chỉ nhớ về Hà Giang, về Đồng Văn, về Sủng Là với sắc đào hồng thắm, vạt cải vàng rực rỡ, tam giác mạch ảo mộng hay những triền cúc cam dịu ngọt, thì em sẽ nhắc để anh nhớ, còn có một loài hoa khác đã từng in dấu trong những hành trình cao nguyên đá, ấy là hoa thun tu. Một thân cây, một dải hoa, cong như đuôi ngựa, đỏ thẫm như màu máu, lặng lẽ vươn mình trên núi đá, giữa ruộng đỗ tương, bên ụ thân ngô đắp khô làm củi đốt, cô độc, một mình. Phải đi hỏi mãi, em mới tìm được cái tên của loài cây ấy. Cũng như kiều mạch, thun tu được người Mông hái về tách lấy hạt, thân dùng nuôi trâu bò …

…. Những gốc thun tu đứng một mình trên lưng dốc, giữa khúc quanh đẹp nhất từ Sủng Là đi Đồng Văn, khúc quanh của những triền hoa dại, in hình lên nền núi xám ngắt khi chiều buông, thổi vào lòng em một nỗi xôn xao mơ hồ. Như gió đang tràn xuống từ trên đỉnh núi, vờn bay trên từng chùm thun tu đỏ thẫm mượt mà như đuôi ngựa, đuổi nhau qua những khúc cua xẻ ngang lưng trời. Như tam giác mạch đổi màu qua thời gian. Như tình yêu không bao giờ dừng lại …

….Chỉ có mùa này, cao nguyên đá lại nở hoa….

Người ấy …

Bạn đồng hành ….

Và em …

Còn đâu những hồn phách cũ?

Đã nghe về cái sân khấu mới của chợ phiên Đồng Văn, nhưng chưa có dịp mắt thấy, tai nghe nên em không khỏi bàng hoàng khi nửa đêm ngồi đọc một bản tin đăng trên Dantri. Lúc này mà ngồi nhà bạn nghe băng cối Sơn ca 7, dễ chừng leo lên lan can tự kỷ không biết chừng …

Có lẽ nào, em đã chần chừ không trở lại với mùa hoa cao nguyên, vì không muốn phải đối diện với cảm giác “xót xa như rụng bàn tay” bởi ngày hôm qua đã không bao giờ còn tìm lại được. Bới tung ổ cứng, những folder nghèn nghẹt ảnh, không có tường rào, song sắt, không có vỏ bao nylong vương vãi khắp nơi. Đã là một cái chợ theo đúng nghĩa “chợ xuôi”. Trời ơi!

Sẽ không còn là em khăn cam, áo tím, lúi húi chen vào giữa những váy áo, sắc màu. Sẽ không còn người đàn ông nào nhường em một góc ghế dài, nắm tay em mời ăn thắng cố và cạn ly rượu trắng. Không còn những cô bé tụm năm tụm ba dưới mái hiên nhà lợp ngói máng, những quán ăn nghi ngút khói và những ánh mắt trẻ con háo hức đến gọi mời. Không còn nữa, nơi người Mông tụ tập thử rượu và thử khèn, nơi anh tựa cột nhà cho em tựa vào anh …

Em sẽ không bao giờ lại ngồi trên bậc thềm phố cổ, chờ những chàng trai, cô gái dắt lợn đi qua. Không giơ máy ảnh lên chờ đợi những cái nhún váy, xòe chân đi vào trong khuôn hình. Không thêm lần nào nữa ngồi trên cái ngưỡng cửa cao của cửa hàng xay xát gạo, ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để gặm nhấm sự cô đơn. Các cô gái sẽ không rẽ vào một căn nhà trong phố, để chỉnh trang lại khăn áo trước khi vào chợ …

Không còn nữa, ước mơ về một triển lãm ảnh với phiên chợ Đồng Văn

Em đi chợ

Tựa vai nơi góc phố

Nơi người ta nhường em một góc ghế dài

Không cần giấc mơ về một ngôi nhà và những đứa trẻ …

Sẽ không bao giờ là chợ phiên ngày cũ, sẽ mãi chỉ còn những file kỹ thuật số lưu vào trong ổ cứng, mà không ai có thể ngờ, một ngày nào đó, nó cũng bỏ em mà đi …

Chuyện kể ở Manila

Bắt đầu là một chuyến bay với đầy thủ tục rắc rối , rườm rà để đến được Philippine . Tớ đã chạy như một con thỏ ở sân bay Singapore để hoàn tất những yêu cầu của nhân viên check in . Chuyện là thế này : vì tớ ko bay từ VN , nên hộ chiếu của tớ được coi là hộ chiếu nước ngoài , và tớ bắt buộc phải trình vé chiều về tại sân bay tớ xuất phát . Trong khi nhân viên book vé của tớ lại chưa gửi mail vé chiều về cho tớ . Gọi trên 20 lần không contact được chị ấy , thế là chỉ còn 15′ nữa hết giờ check in . ….

Cô check in bày cho tớ cách là đi skytrain sang Teminal 2 để mua vé hoặc in vé ở Singapore airline ra , mang về đây thì được lên máy bay . Huhu , thế là tớ chạy , chạy một mình đã mệt lại còn mang theo một đống đồ đạc lỉnh kỉnh . Mà tớ thì ko thể miss chuyến bay này được , mai tớ có hội thảo , và cũng vì tớ đã đặt vé đi đảo Coron chiều mai từ Manila . Thế là chỉ còn biết cắm đầu mà chạy , bỏ tiền túi ra mua vội một cái vé ( rồi muốn ra sao thì ra ) rồi lại chạy như bay về Teminal 1 . Hoàn tất mọi thủ tục và chui được vào máy bay được đúng 1 phút thì cửa máy bay đóng sập lại . Hú vía . Tớ ngồi , thở ko ra hơi , mặt trắng bệch . Mọi người xung quanh nháo nhác tưởng tớ làm sao …Phù , cuối cùng cũng kịp chuyến bay mà không thể lỡ. Chuyến đi Phil của tớ bắt đầu gian nan thế đó.

Nằm co ro trên máy bay lạnh cứng đơ người, lần đầu tiên bay Jestar , nó bắt con người ta mua cái chăn 4$ mà tớ đành cắn răng mà mua cái chăn mỏng dính cứng đơ ( còn ko được mềm mại và to như chăn của VietNam airline đâu nhé ) . May là chiều về của tớ hông phải bay Jestar nữa.

Sân bay của Phil ko cách xa thành phố như các nước khác , mà ngay trong thành phố . Có thể cảm giác máy bay bay sát trên mái nhà của những người dân . Nhìn từ trên máy bay xuống , thủ đô Manila có kiến trúc lộn xộn cũng chả khác gì Hà Nội , cái xưa cũ xen lẫn với cái mới, nhưng nhìn kỹ trông Manila cũng na ná giống SG :

Ấn tượng đầu tiên khi vừa đên Phil là nhân viên hải quan rất thân thiện và thủ tục nhập cảnh rất nhanh gọn . Chỉ có việc bắt taxi từ airport là hơi phức tạp , bạn không thể đứng vẫy tay 1 cái là có xe taxi đến , mà bạn phải xếp hàng mua vé , rồi sẽ có người điều taxi đến cho bạn . Hơi phức tạp nhưng tớ thấy hợp lý , ko có kiểu taxi dù như ở VN . Tớ hơi lan man tí nhưng tớ kể các bạn nghe : Tớ nhớ đời một lần ở sân bay Nội Bài , tớ và 2 thằng bạn người Ý chót dại bắt cái taxi dù ( 2 anh chàng ” hiền lành” kêu là đến sân bay đón người nhưng ko gặp nên cứ tha thiết mời tớ và bạn tớ đi xe họ về để họ đỡ tiền xăng ) lên xe , tớ bảo sẽ dừng ở 2 điểm , 1 là công viên nước , 2 là dừng 2 anh bạn tớ ở khách sạn theo địa chỉ tớ đưa , và ko được đưa bạn tớ đi vòng vèo . Họ hứa như đinh đóng cột sẽ đưa bạn tớ đến đúng địa chỉ . Tớ về nhà ngổi rung đùi xem TV , tối bạn tớ tìm cách gọi điện để báo cho tớ đã đến đúng khách sạn nhưng ko phải là 2 anh lái xe kia đưa đến , mà họ cố tình lái xe đưa bạn tớ đến khách sạn khác để lấy tiên hoa hồng từ khách sạn ấy . May là bạn tớ tỉnh táo quyết tâm dò bản đồ ra bằng được khách sạn tớ đã đăt rồi đi bộ đến đó. Đúng là xấu hổ khi mà làn đầu tiên bạn tớ đến HN đã bị ấn tượng xấu về người Việt rồi (Con sâu làm rầu nồi canh )

Ấn tương thứ 2 là người Phil có vẻ thật thà , nghĩ gì nói đấy . Khi tớ mua sim điện thoại , họ hỏi tớ định về đâu , tớ bảo : Hyatt hotel – Casino Manila, họ cứ trố mắt rồi thốt lên : ” Ôi , ở đấy đắt lắm ! ”

Đến lượt anh lái xe Taxi cũng thế , trên đường đi cứ xuýt xoa : ” Mày đi đánh bạc à ( vì có Casino ở chỗ KS tớ ở ) , ở đấy đắt lắm đấy ….etc …” Hị hị , sao họ hồn nhiên thế không biết !

Ấn tượng thứ 3 là , ngay kể cả ở Bangkok , Hà nội thì tớ chưa thấy ở đâu tắc đường như Manila , người Phil có câu : ” Ko tắc đường ko phải Manila”. Họ sống chung với tắc đường từ sáng đến tối , mọi lúc mọi mơi . Thỉnh thoảng lại nhìn thấy những cậu bé đen đen lem luốc băng qua đường một cách rất nguy hiểm . Bình thường từ sân bay về khách sạn tớ ở chỉ mất khoảng 25′ vậy mà tớ mất 2 tiếng rưỡi mới về được đến KS . Check in xong , thấy mình may mắn khi ở tầng 30 , có thể nhìn toàn cảnh Manila từ trên cao xuống .

[IMG][/IMG]

Đến thăm ruộng muối Diêm Điền của Thái Bình

Trong hành trình tới vùng biển Thái Bình, không ít du khách tìm đến làng nghề truyền thống Diêm Điền, nơi những hạt muối trắng mặn mòi của biển khơi ra đời.
  • Cồn biển đẹp hàng đầu miền Bắc  /  Nghệ thuật rối nước độc đáo ở Thái Bình

Cách thủ đô Hà Nội 110 km về phía đông nam, thị trấn Diêm Điền thuộc huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình là một trong 3 khu dự trữ sinh quyển lớn nhất của vùng châu thổ sông Hồng. Theo nghĩa Hán Việt, diêm là muối, điền là ruộng, nghĩa gốc của từ Diêm Điền có nghĩa là ruộng muối. Tên làng đã nói lên nghề của nhân dân nơi đây, đó là làm muối và đi biển.

Biển Diêm Điền với nồng độ mặn của nước biển đạt chuẩn để làm ra những hạt muối trắng. Làng nghề truyền thống làm muối biển ở đây đã có từ rất lâu đời. Nghề làm muối kéo dài từ khoảng tháng 4 đến tháng 7 trong năm. Đặc biệt vào tháng 4 và tháng 6 khi có những ngọn gió nồm thổi về, và nắng vàng gay gắt là thời điểm thuận lợi nhất để làm ra được những hạt muối trắng to, đậm vị và chắc nhất.

1-3552-1401178643.jpg

Thường xuyên tưới nước có độ mặn cao giúp lượng muối kết tinh tăng thêm độ dày. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn

Một ngày làm muối của người dân Diêm Điền bắt đầu từ sáng sớm. Đầu tiên là công đoạn làm đất. Người dân ngâm cát cùng nước biển, sau đó đem cát san đều, phơi trên ruộng đất và tưới nước biển lên sân phơi, rắc muối mồi. Khi cát khô, trên từng hạt cát sẽ kết tinh từng hạt muối nhỏ.

Giữa trưa nắng, từ 12h đến 1h là khoảng thời gian người dân sử dụng công cụ đo độ mặn nước biển (Khúc xạ kế đo độ mặn) để xác định nồng độ muối. Công việc này góp phần đảm bảo chất lượng và sản lượng muối được ổn định. Nồng độ mặn của nước biển đạt từ 25 – 30 độ nước mới đông kết thành muối.

4-3238-1401178643.jpg

Thu hoạch muối. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn

Dưới ánh nắng hè gay gắt, trên từng thửa ruộng “trồng” muối, những người dân phơi mình trong cái nắng om da cháy thịt để có được thành quả lao động vất vả. Họ vui mừng vì được lao động trong cái nắng bỏng rát ấy, vì vụ mùa sẽ bội thu, hạt muối sẽ càng trắng trong. Ngược lại, nếu có cơn mưa bất chợt rơi xuống xem như uổng công vô ích, người nông dân lại phải bắt đầu lại quy trình từ đầu.

Khoảng 14h mỗi ngày, muối bắt đầu kết tinh trên đồng, nhà nông hối hả thu hoạch muối. Muối được gom lại thành từng ụ trắng tinh phản chiếu xuống mặt ruộng tạo nên bức tranh độc đáo. Từng ụ muối được đưa lên bờ cho bốc hết hơi nước và đóng vào bao.

e-1196-1401178643.jpg

Cánh đồng muối trải dài trắng tinh dưới nắng. Ảnh: Nguyễn Minh Sơn

Vất vả là vậy nhưng những người dân miền biển vẫn cần mẫn với nghề. Một lần đến và cảm nhận mới thấy trân trọng những hạt muối biển mặn mòi và yêu thêm những người dân lao động trên những cánh đồng muối trắng.

Biển Diêm Điền còn nổi tiếng với mắm cáy ngon tuyệt hảo. Người dân Thái Thụy thường mời khách đến chơi nhà những món ăn đặc sản của vùng như gỏi nhệch, sứa chua, gỏi sứa, canh ron… Du khách đến đây có thể kết hợp du lịch rừng ngập mặn Thụy Trường, đình An Cổ, phủ thờ chúa Muối và khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh.

Việt Nam có thể bổ nhiệm hai danh hiệu Đại sứ du lịch

Quy chế về Đại sứ Du lịch sẽ được hoàn thiện và ban hành từ đầu tháng 6 tới, để thành lập Hội đồng xét duyệt và bổ nhiệm hai danh hiệu Đại sứ du lịch của Việt Nam.
  • Những sao Việt làm Đại sứ Du lịch  /  Lý Nhã Kỳ ‘chất vấn’ các ứng viên Đại sứ Du lịch Việt Nam

Ngày 29/5, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm Đại sứ Du lịch Việt Nam. Theo dự thảo quy chế về Đại sứ du lịch, đây là danh hiệu danh dự do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch bổ nhiệm cho các cá nhân/nhóm cá nhân hội tụ điều kiện phù hợp cho công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Việt Nam.

Sẽ có hai danh hiệu, bao gồm: Đại sứ Du lịch Việt Nam và Đại sứ Du lịch Việt Nam tại quốc gia hay thị trường du lịch cụ thể. Trong đó, Đại sứ du lịch Việt Nam là người đảm nhận các hoạt động quảng bá, xúc tiến trong nước và quốc tế, không hạn chế về phạm vi hoạt động. Đại sứ du lịch Việt Nam tại các quốc gia là người đảm nhận chuyên trách tại nước được chỉ định.

DSC-5221-ok-1132-1399909194-4652-1401358

Lý Nhã Kỳ được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch Việt Nam từ tháng 9/2011 đến 9/2012.

Đại sứ du lịch Việt Nam là công dân Việt Nam hay người nước ngoài đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung về uy tín và trình độ. Dự thảo quy chế cũng nêu rõ sẽ không giới hạn số lượng Đại sứ Du lịch Việt Nam và nhiệm kỳ của mỗi Đại sứ tối đa là 3 năm.

Tại buổi họp, nhiều ý kiến băn khoăn quy định không giới hạn số lượng Đại sứ Du lịch sẽ dẫn đến tình trạng “loạn” danh hiệu. Ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế cho rằng, Tổng cục Du lịch và các đơn vị lữ hành đều cho rằng ngành du lịch cần có nhiều hơn một Đại sứ để phù hợp với nhu cầu xúc tiến, quảng bá tại nhiều địa bàn, thị trường khác nhau.

“Một Đại sứ không thể làm được hết việc, chúng ta cần phải có những Đại sứ du lịch ở những địa bàn trọng điểm để góp phần thu hút khách tại các thị trường đó đến Việt Nam. Tất nhiên chúng ta có ràng buộc bằng quy chế, những ứng viên đạt tiêu chuẩn mới được bổ nhiệm”, ông Tình cho biết.

Còn ông Nguyễn Văn Hưng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng nên có sự phân biệt rõ về tiêu chuẩn, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ giữa Đại sứ du lịch Việt Nam và Đại sứ du lịch Việt Nam tại quốc gia cụ thể.

“Có thể có nhiều đại sứ du lịch tại các quốc gia, thị trường khác nhau, song chỉ nên chọn ra một Đại sứ du lịch Việt Nam. Đó phải là người có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất và có thể đại diện quảng bá du lịch Việt Nam đồng thời thu hút khách quốc tế đến với Việt Nam”, ông Hưng phát biểu.

Ông Hồ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cho biết tất cả những ý kiến đóng góp sẽ được Bộ ghi nhận để hoàn thiện quy chế trình Bộ trưởng Bộ VH TT DL phê duyệt. “Dự kiến, trong đầu tháng 6, quy chế sẽ được hoàn thiện và ban hành để từ đó thành lập Hội đồng xét duyệt và bổ nhiệm Đại sứ du lịch Việt Nam”, ông Tuấn kết luận.

 

Chụp ảnh 'tự sướng' trên nóc cao ốc ở Dubai

Đứng chênh vênh trên nóc những tòa nhà cao chọc trời và tự chụp ảnh mình sẽ mang đến cảm giác đặc biệt không phải ai cũng dám thử.
  • Cẩm nang du lịch Dubai
  • Những kinh nghiệm khi đến Dubai
  • Arab Saudi xây tháp cao nhất thế giới

Yêu thích độ cao, chàng trai “liều mạng” 19 tuổi Alexander Remnev đến từ đất nước Nga đã cùng nhóm bạn của mình du lịch đến thành phố Dubai.

Thu hút bởi những tòa nhà chọc trời ở nơi đây, họ quyết định lưu giữ những hình ảnh của mình khi ở trên đỉnh cao nhất của những tòa nhà này.

Những bức ảnh được chụp khi cả nhóm đang lơ lửng ở độ cao đáng kinh ngạc.

Trong những tòa nhà mà nhóm bạn này đã chạm chân ở nóc, nổi bật nhất là tòa tháp Công chúa Dubai với độ cao 414 mét.

“Chúng tôi yêu những tòa nhà chọc trời ở Dubai. Dubai là nơi có nhiều tòa nhà cao tầng nhất và cũng có độ cao ấn tượng nhất trên thế giới. Những ngày ở đây, chúng tôi đã leo lên đỉnh của rất nhiều tòa nhà cao tầng”, Remnev chia sẻ.

Một cô gái ngồi ở lan can bên ngoài của tòa nhà cao hàng trăm mét với chỉ một cánh tay bám víu vào những song sắt.

Nhóm bạn người Nga này khá dễ dàng khi tiếp cận những tòa tháp ở Dubai.

Bộ ảnh độc đáo mà đa phần là ảnh “tự sướng” đã được ra đời bởi nhóm bạn mạo hiểm này.

“Sau chuyến đi này, tôi thấy rằng những tòa nhà ở Nga quả thật nhỏ bé”- Remnev thốt lên.

Từ trên cao nhìn xuống, Dubai với quy hoạch thành phố tuyệt đẹp.

Theo Remnev. “Ở Dubai có rất nhiều tòa nhà có phần mái được mở. Không khó khăn gì để leo lên đỉnh những tòa nhà.”

Đi chợ Hạ Long không chỉ mua hải sản

Du khách đến ngôi chợ sầm uất bậc nhất Quảng Ninh này còn có thể mua đồ thủ công mỹ nghệ làm quà hoặc lót bụng bằng vài món ăn vặt rất hấp dẫn ở đây.
  • Vịnh Hạ Long vào top cảnh non nước đẹp nhất thế giới  /  Núi Bài Thơ và bán kính một cây số

Tuy nằm cách khá xa khu du lịch Bãi Cháy, chợ Hạ Long thu hút rất đông du khách đến thăm thành phố biển này, bởi lượng hàng hóa ở đây rất phong phú, đặc biệt là hải sản tươi ngon. Muốn đến chợ, khách sẽ phải chạy xe thẳng qua cầu Bãi Cháy đến ngã tư Loong Toòng, rẽ phải và đi thêm hơn 1 km nữa.

Nằm bên bờ vịnh Hạ Long thơ mộng, chợ được xây dựng bề thế và khang trang với 3 tầng nhà và một khu vực ngoài trời rộng lớn. Dừng lại tại bãi đỗ xe trước cổng chợ, nơi đầu tiên bạn bước vào là khu hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, quà tặng… được bố trí gọn gàng thuận tiện cho khách đi lại, tham quan và mua bán.

dulichvanminh-6984-1401353430.jpg

Chợ Hạ Long là điểm dừng chân của nhiều du khách đến Quảng Ninh. Ảnh:dulichvanminh

Trong đó, ấn tượng nhất là dãy bán đồ lưu niệm. Bạn có thể bắt gặp các vật dụng quen thuộc hàng ngày như lược, đũa, vòng tay, trâm cài tóc, hộp đựng đồ… nhưng khoác lên mình vẻ ngoài lạ mắt khi được khảm ngọc, trai tinh xảo. Những chiếc chuông gió kết từ vỏ ốc, vỏ sò cũng nhờ thế mà trở nên độc đáo và mang đến âm thanh như gió biển.

Nằm đối diện là khu hàng điện tử, đồ gia dụng và tạp phẩm. Có thể bạn sẽ không quan tâm đến các loại máy móc, thiết bị bán ở đây do còn chưa yên tâm về chất lượng nhưng nếu dạo qua một vòng, bạn sẽ khám phá được nhiều thứ khá lạ mắt và hữu ích. Theo thang máy lên các tầng trên là nơi bán chuyên bày bán quần áo, vải vóc và giầy dép. Với sự đa dạng về chủng loại và phong phú về kiểu cách, bất cứ ai cũng có thể thoải mái lựa chọn cho mình một món đồ ưng ý. Lưu ý nhỏ là bạn cần mặc cả trước khi mua.

Rời khỏi tòa nhà 3 tầng, thay vì đến thẳng khu chợ trời ở đằng sau để mua hải sản, hãy đi dạo một vòng quanh chợ để nếm thử các món ăn vặt ở đây. Nhiều người ngạc nhiên vì chợ tuy không có quá nhiều hàng quán ăn uống nhưng món nào cũng rất ngon và hấp dẫn.

dacsancatba4-9357-1401353430.jpg

Sam xào chua ngọt. Ảnh: halong.org.vn

Góc chợ phía cổng vào là nơi tập trung nhiều hàng ăn vặt nhất với đủ các món như bánh ngô, bánh khoai, cháo ngao, gà hầm, bánh giò, nộm bò khô, bánh ba-ti-sô (bánh gối)… Tuy nhiên, để không phải tiếc nuối khi ra về thì bạn đừng bỏ lỡ hàng sam rất đặc trưng của ẩm thực Hạ Long.

Là một loài hải sản họ cua, sam ở đây được chế biến thành nhiều món như chả sam, trứng sam và chân sam xào chua ngọt. Khi ăn, ngoài vị ngọt ngon, đậm đà của thịt sam cùng hương thơm lá lốt, bạn sẽ cảm nhận được vị cay xé lưỡi từ gừng, rềng, sả, ớt quyện chặt trong từng miếng.

Vào những ngày hè nóng bức, dãy chè nằm ngay bên phải chợ thường rất hút khách. Bạn sẽ không thấy những tô chè màu mè, bắt mắt kiểu Huế hay Sài Gòn ở đây, mà thay vào đó là những cốc chè đặt trước bàn để chào hàng. Đa phần đều là các món chè dân dã, quen thuộc như đỗ đen, chè xanh, đậu nành, chè sen… trong đó đáng chú ý nhất là món thạch xanh (thạch găng). Đây là loại thạch làm thủ công từ lá găng, ăn rất mát. Sau khi được chế biến thành thạch mềm, chỉ cần cho thêm nước đường và đá vào là có thể ăn ngay. Thạch giải nhiệt tốt và giá thành lại rất rẻ.

24h-7167-1401353430.jpg

Chả mực giòn, dai là đặc sản nổi tiếng Hạ Long. Ảnh: 24h

Từ dãy hàng chè, chỉ cần đi bộ thêm vài bước là bạn đã đến hàng chả mực – đặc sản nổi tiếng Hạ Long. Làm từ mực nguyên chất với bí quyết ướp gia vị riêng, chả mực ở đây còn được rán tại chỗ nên lúc nào cũng nóng hổi, thơm, giòn. Dù không có ý định mua nhưng khi ngang qua ngửi thấy hương thơm hấp dẫn của chả mực rán nóng, không ít người phải dừng chân nếm thử và mua vài túi làm quà.

Nếu muốn mua tôm, cua, ghẹ, cá, mực tươi sống, bạn cũng sẽ không mất công đi xa bởi khu bán hải sản nằm ngay gần đó. Liền kề là gian hàng bán các loại hải sản khô. Nếu nhanh chân, chỉ cần 1,5-2 tiếng là bạn đã có thể khám phá mọi ngóc ngách của chợ và mua đủ thứ sau hành trình du lịch Hạ Long thú vị.