Còn đâu những hồn phách cũ?

Đã nghe về cái sân khấu mới của chợ phiên Đồng Văn, nhưng chưa có dịp mắt thấy, tai nghe nên em không khỏi bàng hoàng khi nửa đêm ngồi đọc một bản tin đăng trên Dantri. Lúc này mà ngồi nhà bạn nghe băng cối Sơn ca 7, dễ chừng leo lên lan can tự kỷ không biết chừng …

Có lẽ nào, em đã chần chừ không trở lại với mùa hoa cao nguyên, vì không muốn phải đối diện với cảm giác “xót xa như rụng bàn tay” bởi ngày hôm qua đã không bao giờ còn tìm lại được. Bới tung ổ cứng, những folder nghèn nghẹt ảnh, không có tường rào, song sắt, không có vỏ bao nylong vương vãi khắp nơi. Đã là một cái chợ theo đúng nghĩa “chợ xuôi”. Trời ơi!

Sẽ không còn là em khăn cam, áo tím, lúi húi chen vào giữa những váy áo, sắc màu. Sẽ không còn người đàn ông nào nhường em một góc ghế dài, nắm tay em mời ăn thắng cố và cạn ly rượu trắng. Không còn những cô bé tụm năm tụm ba dưới mái hiên nhà lợp ngói máng, những quán ăn nghi ngút khói và những ánh mắt trẻ con háo hức đến gọi mời. Không còn nữa, nơi người Mông tụ tập thử rượu và thử khèn, nơi anh tựa cột nhà cho em tựa vào anh …

Em sẽ không bao giờ lại ngồi trên bậc thềm phố cổ, chờ những chàng trai, cô gái dắt lợn đi qua. Không giơ máy ảnh lên chờ đợi những cái nhún váy, xòe chân đi vào trong khuôn hình. Không thêm lần nào nữa ngồi trên cái ngưỡng cửa cao của cửa hàng xay xát gạo, ngồi hàng tiếng đồng hồ chỉ để gặm nhấm sự cô đơn. Các cô gái sẽ không rẽ vào một căn nhà trong phố, để chỉnh trang lại khăn áo trước khi vào chợ …

Không còn nữa, ước mơ về một triển lãm ảnh với phiên chợ Đồng Văn

Em đi chợ

Tựa vai nơi góc phố

Nơi người ta nhường em một góc ghế dài

Không cần giấc mơ về một ngôi nhà và những đứa trẻ …

Sẽ không bao giờ là chợ phiên ngày cũ, sẽ mãi chỉ còn những file kỹ thuật số lưu vào trong ổ cứng, mà không ai có thể ngờ, một ngày nào đó, nó cũng bỏ em mà đi …

1 bình luận về “Còn đâu những hồn phách cũ?

  1. Mình đã đọc 2 bài về Đồng Văn của bạn, rất tâm trạng

Bình luận về bài viết này